Bạn nữ nhà văn nhắn Trang Hạ nhắn tin từ Đài Bắc: “Sao con gái chị không hề đến nhà em ở trong đợt nghỉ vừa rồi?”. Hàng loạt thắc mắc đã diễn ra với cô con gái đang đi du học, có 1 sự dối trá nào chăng?
“Con gái chị không hề đến nhà em ở trong đợt nghỉ lễ vừa rồi”
Câu chuyện được nhà văn Trang Hạ chia sẻ liên quan đến con gái mình khi đang du học ở Đài Loan. Chị đã mượn cho cô gái 1 căn phòng ở Đài Bắc từ 1 người bạn để con nghỉ vào dịp lễ như ý cô bé muốn. Ấy thế nhưng cô bạn của nhà văn lại hoảng hốt thấy con gái Trang Hạ không hề tới nhà.
Chị kể:
“Năm đó, sau Tết chục ngày, bạn tôi từ Đài Bắc nhắn tin hoảng hốt:
– Sao con gái chị không hề đến nhà em ở trong đợt nghỉ Tết một tháng vừa rồi?
Tôi cũng hoảng hốt không kém! Cô bạn ăn Tết ở Việt Nam nên tôi đã mượn nhà cô ấy ở Đài Bắc cho con gái lên ở nhờ dịp Tết! Tôi vẫn đinh ninh con ở đó quá tiện lợi, khép kín, thuận tiện cho kỳ nghỉ. Các cuộc chat video cũng vẫn thể hiện là con có tới đó ở như trong kế hoạch!
Vậy con tôi đã gian dối để bỏ đi đâu?
Trong đầu ngay lập tức nảy ra bao nhiêu tình huống xấu:
– Con gái tôi đã trốn đi với thằng nào, ở đâu đó cả tháng, đã làm những trò gì, livestream những cú ấy lên những group kín nào?
– Con gái tôi đã giấu bố mẹ những việc gì?
– Chúng tôi đã làm gì để con cái phải giấu giếm?
Tôi chẳng sợ nó lang thang ra ngoài xã hội bị ai làm gì! Con gái mười tám đôi mươi có đi đâu tôi cũng không lo, tôi chỉ lo nó làm hỏng con nhà người khác thôi! Tuy nhiên trước tình huống bất ngờ này, tôi thực sự rất kinh ngạc!
Mượn được một căn hộ khép kín tại Đài Bắc để nghỉ Tết đâu dễ, rất làm phiền người chủ nhà! Nếu nó không thích ở nhà bạn mẹ, thì nó có thể tự nói ra, một câu thôi, tôi sẽ đồng ý ngay với mọi thu xếp khác của nó! Nó có thể đi bất cứ đâu nó muốn cơ mà! Tại sao phải lừa dối bố mẹ?
Nó muốn về Việt Nam ăn Tết, nhưng tôi không đồng ý! Tôi thuyết phục con, đây có thể là cái Tết duy nhất và cuối cùng của con ở nước ngoài. Vì bố mẹ chỉ đủ tiền để con đi du học tự túc một năm đầu thôi! Từ năm thứ hai nếu không xin được học bổng thì về! Vì thế, hãy tranh thủ cái Tết này để đi khắp nơi, thu thập trải nghiệm, tới thăm mỗi người bạn cùng lớp một ngày, đạp xe quanh Đài Loan mang theo gói miến và gói bánh đa nem phía sau, làm một vài món ăn rất ngon của Việt Nam mời gia đình họ hàng như làm nem, nấu miến gà giò v.v… Ăn với gia đình bạn một bữa. Và hiểu lối sống cùng những câu chuyện của những gia đình rất khác nhau về văn hoá ấy!
Nhưng con tôi không có tư duy như của tôi. Nên nó chỉ cần một phòng chung cư ở ngoài ký túc xá dịp Tết tiện đi chơi ngắn. Tôi đã giúp con việc đó rồi! Thế mà nó vẫn còn bỏ trốn khỏi kế hoạch của chính nó!
Con gái đã giấu tôi điều gì?
“Cô bạn tôi nói, con gái tôi đã gửi trả chìa khóa nhà về Việt Nam cho cô ấy qua đường chuyển phát quốc tế! Khi cô ấy sang Đài Bắc làm việc, mở cửa nhà ra, cô ấy thấy căn phòng của cô không hề có bất kỳ dấu vết nào của người lạ, vội lên mạng chat với tôi ngay! Cô ấy khẳng định không hề có ai tới ở trong một tháng qua! Cô thông báo cho tôi, để tôi nắm được tình hình!
Tôi xin lỗi cô vì không lường được tình huống này, và bảo sẽ hỏi con vì sao! Thực sự đã làm phiền cô bạn quá!”.
Và cũng như rất nhiều bà mẹ khác thì Trang Hạ nổi giận: “Tất nhiên là tôi nổi cơn thịnh nộ trên tin nhắn cho con gái! Con đã đi đâu, làm gì trong thời gian qua mà giấu bố mẹ? Tại sao cô chủ nhà nói, con không hề đến ở? Tại sao con lại giấu bố mẹ?”.
Kết quả đáng ngạc nhiên
“Con gái tôi đang giờ học trên lớp, nó rất tức giận, nhưng cũng rất kinh ngạc, nhắn vài dòng:
– Con có ở đó mà! Con chỉ tới thăm nhà bạn bè ở các nơi vài ngày sau đó lên Đài Bắc ở luôn mấy tuần! Con có chào hỏi hàng xóm mấy căn hộ chung quanh nếu đi đâu ra cửa gặp họ, y như mẹ dặn! Con vẫn đi chợ nấu nướng trên bếp gas, dùng tủ lạnh, ăn ngủ trên giường, tắm giặt phơi phóng bình thường mà! Trước khi đi con có dọn nhà gọn gàng rồi! Sau khi rời nhà con có gửi trả chìa khoá về Việt Nam để tiện khi nào cô chủ nhà bạn mẹ sang, thì có ngay chìa khoá mở cửa! Có gì hết giờ học con nói chuyện!
Ủa, vầy là sao?
Tôi báo lại, bạn tôi quả nhiên đi hỏi hàng xóm! Hàng xóm Đài Loan xác nhận, trong thời gian Tết, có một “cô Hàn Quốc” trắng xinh ăn mặc thời trang tới ở và thỉnh thoảng nói chuyện với họ bằng tiếng Anh! Khốn nỗi họ không biết tiếng Anh, nên chỉ chào nhau chúc Tết xã giao!
À, con tôi trang điểm đậm và ăn mặc giống giới trẻ hot-trend bây giờ nên họ tưởng là một cô Hàn Quốc! Tôi thở phào!
Bạn tôi nói:
– Em cứ tưởng con gái chị không đến ở! Vì trong nhà em mọi thứ còn nguyên, gọn gàng, sạch sẽ như khi em vừa dọn xong đi về VN. Quần áo trên mắc không bị đụng đến, đồ trang điểm trên bàn không bị dịch chuyển, lỗ thoát nước nhà tắm không hề có tóc rụng! Tủ lạnh không có dấu vết nước hay đồ ăn thừa để lại! Thùng rác không có rác! Nền nhà không có tóc hoặc cát, lò vi sóng vẫn sạch không có mùi hoặc thức ăn vụn, sữa tắm và sữa rửa mặt v.v… vẫn còn nguyên không bị dùng hết. Chăn giường sạch sẽ như lúc em dọn phòng, đồ đạc không vứt lung tung, các thứ lặt vặt như điều khiển vẫn ở vị trí quy định!
Ha ha, tôi hiểu ra, quả thật tôi đã mắng oan con! Nó chỉ mắc một lỗi thôi, là mới 19 nhưng chu đáo dọn sạch và có trách nhiệm, tôn trọng nhà người khác y như thái độ của một phụ nữ 40.
Và chiếc chìa khoá nhà gửi về Việt Nam trước cho chủ nhà cũng là một cử chỉ lễ phép, chu đáo, hơn hẳn là gửi ở đâu đó cho chủ nhà từ sân bay sang lại phải đi lấy!”.
Bài học dạy con của Trang Hạ
Cuối cùng không phải như mẹ và bạn của mẹ nghĩ, con gái nữ nhà văn không hề nói dối, chẳng qua là cô đã xử lý mọi việc sau đó quá chu đáo đến mức người cho mượn nhà đã không nhận thấy bất cứ dấu vết nào. Hóa ra có được điều đó, là nhờ cách Trang Hạ trước đây từng dạy con mình.
“Tôi vẫn bảo con rằng, ở nhà bừa bộn bận rộn cũng được, nhưng ra đường tuyệt đối cấm xả rác. Không thì mang rác về nhà xả!
Sạch ở nhà mình là “mai dọn” nhưng sạch ở ngoài xã hội, nhất là đi khách sạn, ở nhờ, là “dọn luôn và ngay!”
Ngày xưa mẹ ở ký túc xá nữ của một Học viện Ki-tô giáo, sau khi chuyển trường phải trả phòng, mẹ đã cọ buồng tắm, cọ toàn bộ 4 bức tường buồng tắm, cọ cả chiếc đèn buồng tắm, thế nhưng còn bị quản lý ký túc nhắc nhở vì khi họ đi kiểm tra, thấy buồng tắm đã sạch nhưng trên thanh inox phơi khăn mặt trong phòng tắm còn đọng lại vài giọt nước!!!
Cọ sạch xong còn phải lấy khăn lau khô những giọt nước sạch còn đọng trên thiết bị buồng tắm nữa!
Chúng ta ở Việt Nam xuề xòa sống với nhau nhưng ra nước ngoài, họ chả cần biết con là ai, họ chỉ bảo, con Việt Nam này ở bẩn! Bẩn trở thành tên gọi cho người Việt Nam, không phải là con nữa, nên con càng phải sạch!
Tôi nghĩ, trước khi trả nhà, con tôi hẳn đã lau cả mấy giọt nước còn đọng trên tường buồng tắm!
Có một cuốn sách hồi xưa ở Việt Nam, tên là “Xoá sạch dấu vết trước khi về nhà!”
Tôi xác định là con tôi sẽ cãi mẹ trong mọi việc lớn nhỏ của cuộc đời nó. Tuy nhiên nó nghe lời mẹ trong 1 việc nhỏ nhoi là “xoá sạch dấu vết trước khi đi ra khỏi nhà người khác” là đủ! Còn các việc khác, nó tự chịu trách nhiệm về đời nó!
Trên báo điện tử thiếu gì những tin gây cười như, nữ sinh hotgirl ở bẩn, phòng bốn tháng không dọn, thanh niên thuê phòng khách sạn sau 5 ngày để lại đống rác, bẻ bánh quy rắc khắp phòng, ở nhờ thó luôn cây son đắt tiền, xịt thử lọ nước hoa của chủ nhà…”.
Lối sống của chính chúng ta sẽ ảnh hưởng đến con cái
“Ngay cả tôi, ở tuổi U50, vì thiếu thời gian, tôi cũng không thể nào gọn gàng sạch sẽ tinh tươm mỗi ngày được! Nhưng khi ở homestay, hotel hay ở nhờ nhà ai, chí ít cũng biết xắn tay áo lên làm chung mọi việc, quản lý mọi thứ, trả phòng thì cất đồ vào vị trí của nó cho nhân viên tiện quan sát check-out.
Nhiều người quen dùng khăn giấy lau mặt bồn cầu trước khi đi vệ sinh ở sân bay, siêu thị, nơi công cộng… Tôi còn làm việc đó ngay cả sau khi đi vệ sinh, vì đó là trả lại một không gian sạch sẽ cho người dùng sau! Tôi làm việc đó cho cả người tôi không biết mặt, không biết là ai!
Có một lần dắt chạy một bạn quanh Hồ Tây. Bạn ấy uống xong vứt chai nước xuống vỉa hè. Đó là lần cuối cùng tôi quan tâm tới một kẻ chạy bộ như thế trong đời!
Và tôi nhớ những đống đồ đạc bừa bộn trong phòng con gái tôi tuổi thiếu nữ. Màu vẽ khắp nơi, ống rửa bút cũ mới lăn lóc, bút vẽ với khung tranh lộn xộn với máy ảnh, đàn ghita vứt cả trên giường lẫn gậm giường, quần áo tung toé, trăm thứ không thể gọi tên. Tôi thường chụp ảnh quay phim lại để làm tư liệu tự dạy dỗ bản thân. Tôi sẽ nhìn vào bức ảnh để nổi điên trong khoảng 3-4 ngày, sau đó cho tới lúc “cơn điên” hạ hoả tới mức con cái có thể chịu nổi, tôi mới quát con:
– Tối nay mẹ vào kiểm tra phòng đấy nhé! Liệu mà dọn dẹp đi! (Và tất nhiên con tôi biến mất mấy tiếng buổi chiều để hì hục tự dọn!)
Có lẽ làm mẹ khó khăn nhất là những lúc thở thật sâu, nhìn vào đống bẩn thỉu trong điện thoại. Để tự trấn áp bản thân mình, để dạy con theo cách của mình!
Cho tới lúc con mình có lẽ đã trở thành người khách trọ mà mọi căn hộ Bnb ước ao được đón!”.
Hãy dạy con theo cách của riêng mình
Cuối cùng qua câu chuyện trên có thể thấy nhà văn Trang Hạ dù có định hướng, có tư vấn nhưng luôn tôn trọng quyết định của con. Chị cũng biết dạy con cách tự chịu trách nhiệm nên cô bé giải quyết vấn đề ngon ơ đến mức biết sắp xếp lại chiếc phòng đi mượn gon ghẽ, cũng biết trả chiếc chìa khóa theo cách trách nhiệm nhất mà không cần nhấc điện thoại hỏi: “Mẹ ơi, con nên làm thế nào?”. Ý thức và có trách nhiệm với việc mình làm không phải là thứ nói mà có thể con sẽ nghe theo. Nếu 1 người mẹ nói rằng: “Con phải sống tử tế” thì đứa trẻ sẽ rất khó thực hiện như lời mẹ. Nhưng nếu trong cuộc sống hàng ngày cha mẹ là tấm gương, hãy cứ làm tốt phần việc của mình cũng đã là 1 cách dạy dỗ con cái rồi.
Và như cách của Trang Hạ, dường như chị không kỳ vọng con mình sẽ trở thành 1 ai đó hoàn hảo, 1 cô con gái nết na, ngoan hiền. Điều tự hào của chị lại có vẻ khá đơn giản “con mình có lẽ đã trở thành người khách trọ mà mọi căn hộ Bnb ước ao được đón” ấy là vì chị đã có nhưng khi “thở thật sâu”, bình tĩnh trước những cơn giận dữ để đưa ra 1 giải pháp… dịu dàng và kiên nhẫn nhất.
Xem ra điều đơn giản ấy cũng rất cần trong cuộc sống này để tạo nên những đứa trẻ trưởng thành biết tự chịu trách nhiệm với bản thân và có ý thức với hành động của mình.
Có như thế, những bé gái lớn lên dễ có cơ trở thành 1 người phụ nữ dường như ít oán thán và biết làm chủ, biết chịu trách nhiệm với hành động và chính cuộc đời mình.
Cũng hay
Tên tên là tôi
Binh Luong tiep theo